Quà Tết

THÔNG TIN

Rượu thật rượu giả

 

RƯỢU NGOẠI THẬT HAY GIẢ

Làm sao phân biệt?

Cuối năm, rượu ngoại là mặt hàng mà không ít người tiêu dùng thường mua để làm quà biếu cho người thân. Nhưng trước tình hình rượu thật giả lẫn lộn, làm sao để không bị mua nhầm rượu giả?

Ông Lê Quang Thịnh (Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hiện đang sở hữu bộ sưu tập hơn 20 chai rượu ngoại, cho biết: "Để tránh mua nhầm rượu giả, tôi chỉ chọn mua tại cửa hàng quen có uy tín. Theo kinh nghiệm của tôi, ngoài việc để ý kỹ hoa văn, họa tiết trên nhãn mác, tem nhập khẩu, tôi thường so sánh số sêri giữa nắp chai và đáy chai có khớp nhau không. Dốc ngược chai rượu, lắc đều, nếu thấy có hạt cặn li ti, bọt trong chai tan chậm thì có thể là rượu giả".

Ông Nguyễn Duy Linh - chủ cửa hàng Ánh Linh (Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chuyên kinh doanh các mặt hàng rượu, bia, bánh kẹo chia sẻ kinh nghiệm: "Muốn phân biệt rượu thật, giả, người tiêu dùng phải nắm rõ từng đặc điểm riêng, chi tiết của chai rượu thật để so sánh, quan trọng nhất là hai yếu tố: nút chai và bọt rượu (vì vỏ chai đều là thật, có thể mua lại, cho rượu giả vào). Khi lắc chai nếu bọt nhỏ và chuyển động chậm thì đó là rượu thật. Nút chai làm giả thì dễ phân biệt, nút chai thật đóng lại sẽ không nguyên vẹn, có dấu hiệu trầy xước".

Cũng theo ông Linh, khi mua rượu, người mua nên yêu cầu phía cửa hàng bảo đảm cho mình bằng cách: ký tên lên nhãn chai, lên tem bảo đảm riêng của cửa hàng; kèm theo danh thiếp của cửa hàng vào chai rượu để biết xuất xứ của nơi bán.

Ông Dương Thanh Hoàng - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM khuyến cáo: "Trong tình hình rượu thật, giả lẫn lộn như hiện nay, người tiêu dùng chỉ nên đến những địa chỉ đáng tin cậy, có uy tín lâu năm để chọn mua rượu. Các đại lý chính thức thường ký hợp đồng với những nhà phân phối rượu chính hãng. Đặc điểm nhãn mác của rượu chính hãng thường sắc sảo, không bị lem nhòe, trầy xước. Cần cân nhắc kỹ khi cùng một loại rượu mà giá bán lại chênh lệch nhau nhiều. Đối với những giỏ quà gói sẵn có rượu ngoại, người tiêu dùng nên yêu cầu xem kỹ rượu và chi tiết của từng món hàng trước khi quyết định mua - tuy điều này thường không được đáp ứng".

Theo một chủ tiệm rượu có uy tín ở Q.1, cách phân biệt chính xác nhất là lắc chai và úp ngược, khi thấy bọt rất nhuyễn, nổi lên theo hàng dọc là rượu thật, nếu bọt không đều, nổi tứ tung là rượu giả.

Ông Lương Toàn Thắng - Giám đốc Marketing Công ty Mỹ Tín (văn phòng đại diện của nhãn hiệu rượu Rémy Martin tại VN), lưu ý khách hàng: "Nên mua rượu ở các siêu thị lớn trong thành phố. Mặc dù giá cao hơn một chút, nhưng đây là những nơi nhập hàng chính hãng. Ngoài ra, công ty cũng đã yêu cầu các cửa hàng có bán sản phẩm rượu Rémy Martin cam kết phải dán tem bảo đảm riêng của cửa hàng, để người tiêu dùng có vấn đề về chất lượng rượu có thể khiếu nại.

Với rượu Rémy Martin, cần chú ý đến những đặc điểm sau: Hai đường cắt song song trên nắp chai phải sắc bén, ngược chiều nhau, có ánh bạc. Nắp chụp của chai màu đen mờ chứ không phải đen bóng lưỡng. Khi nhìn nắp chụp của chai qua ánh sáng, sẽ nhìn thấy những đường tròn đồng tâm chạy quanh cổ chai. Chữ Rémy Martin trên nắp chụp phải sắc nét, đúng chính tả (kiểu chữ có gạch chân). Logo hình con ngựa phải sắc bén, cơ bắp của con ngựa phải nổi rõ. Lớp nilong phải ôm sát vành nắp chai, không có kẽ hở. Với các loại Rémy có cấp hơn, nắp chụp và mặt sau của nhãn chai phải có màu đồng nhất nhau (màu vàng)".

Ngoài ra theo kinh nghiệm của các cửa hàng bán rượu Rémy Martin lâu năm: khi dốc ngược chai, kích thước bọt khí rượu nhỏ và lên rất chậm. Khi cần tư vấn, khách hàng gọi số: (08).8210880 (gặp anh Linh).

Ông Nguyễn Chí Nguyện - Đội phó Đội 3A chống hàng giả, Chi cục QLTT TP.HCM cho biết, Johnnie Walker xanh nắp bằng chì. Do nắp chai thật đóng bằng máy nên để lại nhiều vết nhăn (nếp gấp) nhỏ, nếu tháo ra vô rượu giả, họ phải hơ lửa để vuốt thẳng, làm mất hết nếp nhăn. Vì vậy phải xem các ngấn ở phía trên nút, nếu sâu và sắc nét là nút thật, ở chổ vấu vào gân cổ chai không bị trầy là nút chưa bị tháo. Ông Nguyện cho biết, hiện nay do chênh lệch giá giữa các nhãn rượu nên tình trạng tráo nhãn rất phổ biến. Thí dụ,rượu label đỏ (cấp thấp nhất) bị dán tráo nhãn label đen, rượu label đen bị dán tráo nhãn vàng, vàng bị tráo xanh

Theo Phụ nữ TP.HCM (ngày 2-2-2007), Nguyễn Cẩm - Bá Vinh

 

Gọi

Bấm để gọi ngay